Hàng loạt VĐV đua xe đạp xin nghỉ: “Bom nổ chậm” đã… nổ
Những ngày này, làng đua xe Việt đang rúng động khi hàng loạt các vụ VĐV, HLV thi nhau nộp đơn nghỉ thi đấu. Đỉnh điểm là việc 11 VĐV của đội đua Đồng Tháp xin nghỉ ngay trước ngày Giải đua xe đạp toàn quốc Cúp Truyền hình Bến Tre 2015 chính thức khởi tranh. Việc đồng loạt chia tay này của các tay đua khiến xe đạp Đồng Tháp khủng hoảng thật sự do gần như trắng lực lượng ở tuyển nữ, chỉ còn vài nhân tố trẻ ở tuyển nam và khiến Đồng Tháp buộc phải cử đội trẻ dự Cúp xe đạp truyền hình Bến Tre.
Đua xe đạp là một trong những môn thể thao vất vả nhất
Ảnh: H.M
1. Lý do 11 cua-rơ đội Đồng Tháp có động thái với đơn vị chủ quản: Trả xe, bỏ tập và từ chối dự Giải Bến Tre mở rộng được đưa ra là những năm qua, đội thi đấu luôn đạt thành tích cao nhưng VĐV của đội không được gọi vào đội tuyển quốc gia. Thực chất, lý do của các cua-rơ đội Đồng Tháp xin nghỉ tập vì các chế độ tài chính không bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống.
So với mặt bằng của các đội đua trong nước, thì đội Đồng Tháp có thu nhập 7-9 triệu đồng/cua-rơ/tháng, đây là mức thu nhập khá song theo lời cua-rơ Đỗ Tuấn Anh, VĐV đoạt áo vàng và áo xanh Cuộc đua xe đạp Xuyên Việt-2014, Cúp Quốc phòng VN thì mức thu nhập trên chỉ đủ dùng cho nhu cầu hàng ngày của VĐV. Cua-rơ kỳ cựu vừa mới giải nghệ này tính: "Tiền uống nước, hoa quả, tiền thuốc chuyên dụng mỗi tháng cũng phải vào 5 triệu đồng”. Xe đạp là môn thể thao hết sức vất vả. Trong luyện tập thì VĐV đối mặt với nhiều rủi ro. HLV Trần Hùng (đội Bình Dương) cho hay: "Luyện tập xe đạp trên đường, VĐV rất dễ bị ngã xe bởi hàng loạt lý do. Những khi bị chấn thương, thì VĐV luôn là người chịu thiệt nhất. Đi thi đấu có chút tiền thưởng thì về chia nhau cũng không đáng là bao. Ngã một cú trên đường đua là hỏng cả chiếc xe đua mấy trăm triệu đồng, tiền nào bù cho lại”.
Các cua-rơ đội Đồng Tháp chọn thời điểm này để "đình công” vì đây là lúc nhà tài trợ và lãnh đạo đội đua xứ bưng biền này họp để đưa ra các chế độ lương, hỗ trợ mới (bất lợi hơn chế độ cũ cho VĐV). Còn theo HLV Trần Văn Quýt, có 3 nguyên nhân mà VĐV xin nghỉ. Đầu tiên là do một số tay đua đã lớn tuổi, một số tay đua không đáp ứng được chuyên môn. Nguyên nhân thứ 2 là do các em đang quan tâm đến chuyện thu nhập của mình. Nguyên nhân thứ 3, những người xin nghỉ đều là những VĐV không được Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia quan tâm, đâm ra bất mãn.
Việc 1 hay 2 VĐV xin nghỉ có thể xem là chuyện bình thường. Nhưng 11 VĐV đồng loạt xin nghỉ thì không bình thường chút nào. Phải chăng, ngoài vấn đề thu nhập còn có những lý do tế nhị khác? Nếu không tìm được hướng giải quyết, có thể Đồng Tháp sẽ mất đi nhiều trụ cột cũng như mắc phải nạn chảy máu VĐV. Bởi theo chúng tôi được biết, một số tay đua Đồng Tháp đang được các đội trong nước mời về. Sở VHTT&DL Đồng Tháp đến thời điểm này chưa thể tổ chức cuộc làm việc với số VĐV trên vì đội đua Domesco Đồng Tháp đang bận dự giải Truyền hình Bến Tre 2015. Chưa rõ sự việc sẽ đi đến đâu nhưng chắc chắn, lãnh đạo Sở VHTT&DL Đồng Tháp, đội đua xe đạp Đồng Tháp và các nhà tài trợ sẽ phải ngồi lại với nhau để tháo "ngòi nổ” cho "quả bom nổ chậm” này.
2. Không chỉ các VĐV, mà vừa ngay trước đó, một HLV được đánh giá là tài năng, giàu kinh nghiệm và luôn hết lòng tận tâm với nghề là HLV Đỗ Thành Đạt cũng đã nộp lá đơn xin nghỉ làm HLV trưởng đội xe đạp TP.HCM. Đơn xin nghỉ của HLV Đỗ Thành Đạt ngay khi được gửi lên cấp lãnh đạo, đã thực sự khiến làng đua xe đạp trong nước bị sốc.
Trong làng đua xe đạp nước nhà, cái tên Đỗ Thành Đạt là một thương hiệu được tôn trọng. Ở đội xe đạp TP.HCM, HLV Đỗ Thành Đạt vừa có uy, có tâm khiến các trợ lý HLV và VĐV tâm phục, khẩu phục. Ở cuộc đua xe đạp Xuyên Việt-2014, Cúp Quốc phòng VN, khi giao lưu cùng đội đua TP.HCM, Bình Dương, người ta luôn thấy các HLV, VĐV dành cho HLV Đỗ Thành Đạt sự kính trọng; ngược lại, HLV Đỗ Thành Đạt cũng tỏ ra là người khiêm tốn, nói năng nhẹ nhàng. Lúc tâm sự riêng, HLV này bày tỏ sự suy tư khi mình làm thầy, mà lại không lo cho các trò được chế độ đãi ngộ xứng với công sức VĐV bỏ ra.
Đội tuyển xe đạp TP.HCM có nhiều tên tuổi lừng lẫy nhưng gần một năm qua, đội lâm cảnh khó khăn vì không có nhà tài trợ, và mọi chế độ hỗ trợ của nhà tài trợ bị cắt hoàn toàn từ tháng 7-2014. Các cua-rơ sống nhờ tiền lương của Sở VHTT&DL TP.HCM; tùy theo bậc mà mỗi VĐV nhận từ 5,5 triệu đồng đến hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Vì đặc thù xe đạp mỗi ngày tập luyện hàng trăm cây số, cần chi phí lớn nên HLV, VĐV lâm cảnh khó khăn. Từ đó, một số thành viên trụ cột có ý định xin rời đội. HLV Đỗ Thành Đạt tâm sự: "Thời buổi kinh tế khó khăn. Người nhà kêu cầm tiền đi chợ như cầm cục đá. Chưa ra đến chợ cục đá đã tan hết. VĐV của tôi cũng cực như vậy đó, nhiều anh em trong đội than thở "dừng xe, ráo mồ hôi là hết tiền”. Mình là HLV trưởng, mà để anh em trong đội thu nhập không xứng với công sức, thành tích đạt được thì quả là có lỗi”. Ngay sau HLV Đỗ Thành Đạt, một số VĐV tên tuổi như Mai Nguyễn Hưng, Lê Văn Duẩn cũng đã đánh tiếng xin nghỉ tập do quá khó khăn. Các tay đua Lê Ngọc Thanh, Huỳnh Mai Duy đã chính thức rời đội.
"Con khóc mẹ mới cho bú”, câu nói này vận vào đội đua xe đạp TP.HCM quả là chí lý bởi ngay sau khi HLV Đỗ Thành Đạt gửi đơn xin thôi việc, thì vừa qua, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP.HCM Mai Bá Hùng đã chủ trì cuộc gặp mặt các thành viên đội tuyển xe đạp nam thành phố để giải quyết khó khăn cho đội. Theo ông Ngô Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Xe đạp - môtô thể thao VN kiêm Trưởng bộ môn xe đạp TP.HCM thì: "Trước mắt, Sở và Liên đoàn Xe đạp - Môtô thể thao TP.HCM cam kết các thành viên trong đội sẽ được nhận hỗ trợ từ các nhà tài trợ nhỏ (ít nhất bằng 50% trước kia) đến khi có nhà tài trợ chính trong quý 1-2015. Đồng thời, Sở cũng sẽ đề xuất ngân sách tăng cường trang thiết bị tập luyện cho đội”. Thông tin chúng tôi có được, lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM đã quyết định hỗ trợ mỗi tuyển thủ xe đạp từ 2,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng ngoài thu nhập cứng.